Tadashi Yanai - nhà sáng lập kiêm CEO hãng bán lẻ quần áo lớn nhất châu Á khẳng định rằng với mình, cụm từ này chẳng có gì xa lạ.
Ông hiện là người đứng đầu Fast Retailing - công ty mẹ của Uniqlo. "Tôi rất hiểu thế nào là thất bại. Khi mở rộng chi nhánh ra nước ngoài, chúng tôi đã thất bại tại thị trường Anh. Rồi sau đó lại thua tại Trung Quốc và Mỹ", ông chậm rãi đếm ngón tay.
Năm 2001, gã khổng lồ thời trang Nhật Bản từng cố gắng thâm nhập thị trường Anh khi mở 21 cửa hàng trong 2 năm. Tuy nhiên, mở rộng quá nhanh và quản lý yếu kém đã buộc Uniqlo phải đóng cửa 16 cửa hàng sau đó.
"Đó là một tổn thất rất lớn", Yanai nhớ lại.
Tadashi Yanai - nhà sáng lập kiêm CEO Fast Retailing. Ảnh: Media Corp |
Tuy nhiên doanh nhân Nhật Bản 67 tuổi này không dễ dàng nản lòng bởi những thất bại như vậy. Ông chính là người đã gây dựng Uniqlo từ một cửa hàng khiêm tốn tại Hiroshima năm 1984 thành một trong bốn hãng bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới.
Yanai sinh năm 1949, là con trai của một thợ may. Bố ông có một cửa hàng may y phục cho những người làm công. Tuy nhiên, ông có tầm nhìn khác với người bố. Ông muốn tạo ra những bộ quần áo mặc thường ngày với số lượng lớn, thay vì những bộ y phục nghiêm chỉnh.
Theo Forbes, Yanai hiện là người giàu nhất Nhật Bản, nhờ số cổ phần tại Fast Retailing. Và với mục tiêu đưa tập đoàn thành hãng bán lẻ thời trang số một thế giới năm 2020, khối tài sản của Yanai sẽ càng trở nên khổng lồ. "Chúng tôi đang đi đúng lộ trình và có khả năng làm được điều đó", ông tự tin cho biết.
Với triết lý "Chín lần thất bại, một lần thành công", ông cho biết quá trình kinh doanh đều vì mục tiêu giành "huy chương vàng". Khi được hỏi vì sao không hài lòng với vị trí thứ hai hoặc thứ ba, ông đáp: "Khi tham dự Olympic, chẳng ai nói rằng mình nhắm đến huy chương đồng cả. Chúng tôi muốn cố hết sức để giành huy chương vàng".
Tinh thần cạnh tranh của ông được phản ánh rõ trong chiến dịch mở rộng mạnh mẽ tại các quốc gia. Sản phẩm của Fast Retailing không chỉ có mặt ở châu Á mà còn sang châu Âu và Mỹ - thị trường vốn bị các đối thủ cạnh tranh từ châu Âu như Zara (Tây Ban Nha) hay H&M (Thuỵ Điển) thống trị.
Cứ mỗi tuần, lại có một cửa hàng của Uniqlo được mở trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà đầu tư không còn lo lắng về việc Uniqlo mở rộng quá nhanh nữa. Lấy ví dụ với các cửa hàng ở Anh, Yanai cho biết cả 10 cửa hàng của hãng tại đây đang kinh doanh rất tốt và tạo ra lợi nhuận.
Sự bùng nổ kinh tế của các nước châu Á cũng tác động lớn tới sự phát triển của công ty. "Người Trung Quốc làm được gì thì Đông Nam Á cũng có thể", ông cho biết.
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay của Yanai không chỉ dừng lại ở việc dẫn dắt Uniqlo, mà còn là tìm được người kế nhiệm thích hợp. Yanai không chỉ là nhà sáng lập kiêm CEO của Fast Retailing mà còn đảm nhiệm luôn vai trò chủ tịch.
Tự nhận mình là một người sếp "khó tính", ông thú nhận rằng mình đã thất bại rất nhiều lần trong quá trình tìm kiếm người kế nhiệm. "Hiện tại, tôi không cần người đảm nhiệm tất cả các vị trí giống như tôi. Công việc này không thể tự làm một mình được", ông cho biết.
Yanai muốn có một nhóm chia sẻ những công việc trên với một CEO giỏi. "Tôi muốn biết liệu nhóm này có thể hoạt động trơn tru hay không càng sớm càng tốt. Hy vọng họ làm tốt vai trò bảo vệ quyền lợi của công ty", ông chia sẻ.
Ngọc Anh (theo Channel News Asia)
Từ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thành lập, lao động trình độ cao một số ngành nghề ở Việt Nam đã có cơ hội hơn để đến các nước trong khối làm việc. Tuy nhiên, điều khoản "Tự do lưu chuyển lao động có tay nghề" không hề đồng nghĩa với việc tự do bay nhảy.