Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan tới những sai phạm của doanh nghiệp trong quá trình sử dụng, quản lý vốn Nhà nước.
Bản kết luận và kiến nghị xử lý được Kiểm toán Nhà nước đưa ra sau báo cáo về tình hình tài chính năm 2014 do cơ quan này tiến hành tại 38 tập đoàn, tổng công ty, trong đó có Vinalines.
Tại kết luận kiểm toán năm 2015, Kiểm toán Nhà nước cho biết việc quản lý các khoản nợ tạm ứng, nợ phải thu khách hàng, ứng trước cho người bán... đã gây lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý hàng loạt sai phạm liên quan tới sử dụng vốn tại Vinalines |
Ngoài ra, việc ra quyết định đầu tư tài chính của Vinalines tiềm ẩn rủi ro thiệt hại vốn đầu tư, khoản vay khó thu hồi. Kết luận của Kiểm toán Nhà nước còn chỉ ra hàng loạt sai phạm tại Vinalines trong năm 2014, đó là việc ký hợp đồng thiếu chặt chẽ, không có chế tài xử phạt dẫn đến bị khách hàng chiếm dụng... Vinalines mua vật tư về nhập kho chưa sử dụng, gây ứ đọng vốn, hay áp dụng giá cước không phù hợp giá cước đã kê khai.
Một số công ty con trực thuộc Vinalines cũng chưa công khai thông tin tài chính trên trang thông tin điện tử, như Công ty CP Cảng Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Cảng Nghệ Tĩnh.
Người đại diện của các công ty: Công ty CP Vận tải biển và Hợp tác lao động quốc tế, Công ty CP Đại lý Hàng hải Việt Nam, Công ty CP Cảng Đà Nẵng... lập báo cáo giám sát tài chính không đầy đủ nội dung theo quy định tại Nghị định số 61 năm 2013. Kết luận của Kiểm toán Nhà nước cũng "khui" ra sai phạm trong quyết định đầu tư xây dựng cầu cảng số 2 cảng Ba Ngòi của Vinalines không phù hợp với yêu cầu thực tế của đơn vị khai thác....
Dựa trên những sai phạm này, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Vinalines và các đơn vị thành viên thực hiện kiểm điểm và chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan đến các sai phạm mà Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra. Năm 2014 là năm kinh doanh khá bết bát của Vinalines. Dữ liệu về tình hình tài chính của doanh nghiệp này, chỉ tính riêng các công ty con của Vinalines đã âm vốn tới gần 20.000 tỷ đồng trong năm 2014.
Sau quá trình tái cơ cấu tập trung vào 3 lĩnh vực chính là vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải, hiện dư nợ của Vinalines đã giảm một nửa so với cuối năm 2013, về còn 6.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khó khăn về tài chính vẫn chưa ngừng đeo bám doanh nghiệp này. Hồi giữa tháng 6, Vinalines đã có văn bản gửi tới Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính xin ý kiến bán 6 chiếc tàu biển dang đóng dở dang và 6 chiếc tàu đang khai thác để cắt lỗ.
Theo kế hoạch trong năm 2016 Vinalines sẽ thoái vốn, giảm vốn góp tại 15 doanh nghiệp, trong đó có 9 doanh nghiệp thoái vốn theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012 - 2015; 6 doanh nghiệp thoái vốn sau IPO theo tỷ lệ sở hữu đã được xác định tại phương án cổ phần hóa tổng công ty.
Từ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thành lập, lao động trình độ cao một số ngành nghề ở Việt Nam đã có cơ hội hơn để đến các nước trong khối làm việc. Tuy nhiên, điều khoản "Tự do lưu chuyển lao động có tay nghề" không hề đồng nghĩa với việc tự do bay nhảy.