Sau quá trình hoạt động thử nghiệm, Shopee đã chính thức ra mắt thị trường Việt vào ngày 8/8 vừa qua.
Shopee là một sản phẩm từ công ty Garena - nhà cung cấp nền tảng Internet hàng đầu tại Singapore.
Ứng dụng này cho phép người dùng Việt Nam thực hiện mua bán trên điện thoại di động chỉ trong 30 giây, hỗ trợ người mua nhắn tin cho người bán để được tư vấn, trả giá và giao dịch nhanh chóng. Ngoài ra, Shopee còn tổ chức các khóa huấn luyện bán hàng cho chủ cửa hàng trên ứng dụng, một hình thức kiến tạo cộng đồng độc đáo với sàn thương mại điện tử.
Đại diện Shopee Việt Nam giới thiệu ứng dụng trong sự kiện ra mắt vào ngày 8/8. |
Hiện tại, nhược điểm của Shopee là chi phí vận chuyển hàng còn khá cao so với các trang thương mại điện tử khác và phần lớn giao dịch thực hiện bằng tiền mặt bằng phương thức thu hộ (COD).
Ông Pine Kyaw - Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam cho biết ứng dụng không thu phí đăng ký hoặc hoa hồng. Công ty mẹ Garena đang có hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử thành công và sử dụng một phần lợi nhuận trang trải cho hoạt động của Shopee tại Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Đài Loan hơn một năm nay.
Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Vận hành và Tài chính Shopee Việt Nam nhấn mạnh mục tiêu hiện tại của Shopee là mở rộng mạng lưới, còn chuyện thu phí người dùng hiện tại chưa phải là tiêu chí chính của công ty.
Theo WeAreSocial, tỷ lệ người sử dụng Internet tại Việt Nam sẽ tăng từ 45% lên 75% dân số vào năm 2020, tạo nền tảng phát triển cho thương mại điện tử với lượng người dùng từ 32% lên 43%. Bên cạnh đó, nguồn dân số trẻ và xu hướng sử dụng thiết bị di động phổ biến cũng là điều kiện thuận lợi kích thích nhu cầu mua sắm trực tuyến trong thời gian tới.
Vĩnh Viễn
Từ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thành lập, lao động trình độ cao một số ngành nghề ở Việt Nam đã có cơ hội hơn để đến các nước trong khối làm việc. Tuy nhiên, điều khoản "Tự do lưu chuyển lao động có tay nghề" không hề đồng nghĩa với việc tự do bay nhảy.