Chúng ta chưa thể khẳng định năm 2014 là cái mốc sau 7 năm trầm lắng thị trường lại sốt trở lại. Sự ấm lên của thị trường BĐS gần đây có thể là sự trùng hợp với thời điểm 7 năm ở trên.
Đề án phát triển thị trường BĐS do Bộ Xây dựng vừa hoàn tất có đề cập tới vấn đề thị trường BĐS ở nước ta khoảng 7-8 năm lại xuất hiện một đợt sốt về giá và lượng giao dịch. Đơn cử như vào các năm 1993, 2000, 2007 những biến động chủ yếu xảy ra tại một số TP lớn, xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Theo Đề án, nguyên nhân quan trọng và đáng lưu ý nhất là việc đầu tư các dự án tràn lan, trong khi việc cấp phép phát triển dự án tại các địa phương thiếu căn cứ vào nhu cầu của thị trường. Điều này làm cho thị trường phát triển không cân xứng. Hiện tượng đầu cơ BĐS diễn ra phổ biến dẫn đến việc tạo ra cung ảo trên thị trường, làm cho giá nhà đất không phản ánh giá trị thực tế của nó. Nguyên nhân thứ ba nhưng quan trọng không kém đó là việc Nhà nước quản lý các tập đoàn, tổng công ty chưa chặt chẽ, đầu tư trái ngành nghề vào lĩnh vực BĐS khiến giá BĐS biến động....
Liệu thị trường BĐS có diễn ra theo đúng quy luật 7 - 8 năm lại xuất hiện một đợt sốt nhà đất ?
Đánh giá về vấn đề này, ông Lê Minh Dũng, Giám đốc CBRE Việt Nam cho hay: "Mặc dù năm 2014 thị trường BĐS đã đón nhận nhiều dấu hiệu khởi sắc, thị trường đã bắt đầu phục hồi sau thời gian dài giảm giá. Nhiều dự án tăng giá bán, hàng loạt dự án có tiến độ tốt, đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng được nhiều khách hàng quan tâm hơn trong năm 2014. Tuy nhiên,chúng ta chưa thể khẳng định năm 2014 là cái mốc sau 7 năm trầm lắng thị trường lại sốt trở lại".
"Sự ấm lên của thị trường BĐS trong thời gian gần đây có thể là sự trùng hợp với thời điểm 7 năm ở trên, không phải là theo chu kỳ 7- 8 năm như nhận định của Bộ Xây dựng", ông Dũng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với ông Dũng, ông Richard Lee - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam nói thêm: "Trên thế giới trong vòng 20-30 năm trở lại đây tôi chưa nhìn thấy một chu kỳ phát triển nào của thị trường BĐS trong vòng 7-8 năm. Thị trường BĐS Việt Nam phát triển sau các thị trường BĐS trên thế giới vì vậy còn khá non trẻ. Thêm vào đó, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường BĐS nói riêng đã phải chịu qua nhiều biến động đi xuống do ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu từ năm 2008. Thời điểm gần đây, thị trường BĐS đã có những dấu hiệu tích cực tuy nhiên đây là do tác động từ nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô và kỳ vọng của thị trường chứ không phải là theo quy luật 7 - 8 năm".
Trước đó, bà Đỗ Thu Hằng - Trưởng bộ phận nghiên cứu của Savills cũng từng nhận định: "Trong cả năm 2013, thị trường đã cải thiện hơn so với năm 2012. Đến năm 2014, chúng ta đã có một nền tảng để có thể tin rằng thị trường sẽ tốt hơn, tạo tiền đề thúc đẩy thị trường đi lên trong năm 2015. Mặc dù chính sách vĩ mô đã đạt đến ngưỡng để thúc đẩy thị trường, tuy vậy, chúng tôi vẫn thấy nhiều yếu tố căn bản như nợ xấu, gói tín dụng hỗ trợ cho thị trường giải ngân chậm. Vì vậy thị trường sẽ dần đi lên từng bước chứ không thể đi nhanh được bởi cần có thêm những yếu tố thúc đẩy".
Được biết, báo cáo của Bộ Xây dựng tính hết ngày 25/2/2014 tổng giá trị tồn kho BĐS cả nước tính đến ngày 25/02/2014 khoảng 92.690 tỷ đồng, giảm 1.768 tỷ đồng (giảm 1,87%) so với tháng 12/2013. Cụ thể, Tồn kho căn hộ chung cư 19.210 căn, tương đương 28.582 tỷ đồng; Tồn kho nhà thấp tầng 13.516 căn, tương đương 24.029 tỷ đồng; Tồn kho đất nền nhà ở 9.119.001 m2, tương đương 33.880 tỷ đồng; Đất nền thương mại 2.001.904 m2, tương đương 6.198 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, nhìn vào số liệu tồn kho BĐS cũng có thể thấy, giữ nguyên giá hiện nay thì cần ít nhất 4-5 năm nữa mới có thể xả hết số hàng tồn kho. Do vậy, giá BĐS khó có thể tăng cao đột biến trong thời điểm này để gây ra cơn sốt về giá nhà đất khi mà nguồn cung vẫn đang vượt quá cầu, và nền kinh tế vẫn chưa hồi phục.
Theo Trí Thức Trẻ
Từ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thành lập, lao động trình độ cao một số ngành nghề ở Việt Nam đã có cơ hội hơn để đến các nước trong khối làm việc. Tuy nhiên, điều khoản "Tự do lưu chuyển lao động có tay nghề" không hề đồng nghĩa với việc tự do bay nhảy.