72% hộ gia đình tại Hà Nội cho biết ưu tiên các thương hiệu nội khi mua hàng, trong khi tỷ lệ ở TP HCM là 67%, theo khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel.
Báo cáo về sự khác biệt trong tiêu dùng giữa các vùng miền tại Việt Nam vừa được Kantar Worldpanel công bố cho thấy một số khác biệt trong tập quán mua hàng của các khu vực Bắc - Trung - Nam, thành thị và nông thôn. Theo đó, người miền Bắc ưu tiên dùng thương hiệu nội và các sản phẩm có bao bì lớn. Trong khi người miền Nam nghiêng về các sản phẩm tiện lợi và sẵn sàng thử nghiệm hàng mới.
Về kênh mua sắm, người miền Nam vẫn chuộng chợ truyền thống, đặc biệt là khu vực nông thôn. Người thành thị cũng thích ứng tốt hơn với các siêu thị và đại siêu thị. Trái lại, ở miền Bắc, kênh siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện ích phát triển hơn.
Nhìn chung, các hộ gia đình miền Bắc tiết kiệm và ưu tiên chi cho giáo dục. Còn miền Nam bỏ nhiều tiền hơn cho các hoạt động ăn uống bên ngoài.
Báo cáo của Kantar Wordpanel cho thấy sự khác biệt về tập quán mua sắm giữa các vùng miền tại Việt Nam. Xem hình đầy đủ |
Nông thôn miền Bắc là khu vực chi tiêu ít nhất cho hàng tiêu dùng nhanh. Còn nếu xét về ngành hàng, người miền Nam chi nhiều hơn cho các sản phẩm làm từ sữa và thức uống. Người miền Bắc lại chuộng thực phẩm đóng gói.
Kantar nhận định kênh bán hàng truyền thống vẫn chiếm ưu thế tại Việt Nam. Vì vậy, sự tương tác giữa người bán và người mua đóng vai trò đáng kể trong quyết định mua sắm, đặc biệt ở khu vực nông thôn.
Truyền miệng vẫn là nguồn thông tin đáng tin cậy nhất. Còn quảng cáo truyền hình vẫn là kênh truyền thông chủ yếu nhất. Việc người miền Nam ngày càng sử dụng Internet nhiều sẽ mang lại cơ hội lớn cho các kênh trực tuyến.
Ông David Anjoubault - Tổng giám đốc Kantar Worldpanel Việt Nam nhận định: "Thị trường Việt Nam không chỉ có sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn, mà còn giữa miền Bắc và miền Nam. Chúng tôi nhận thấy những điều này qua phong cách sống, văn hóa và hành vi của mỗi hộ gia đình. Các doanh nghiệp nên dành thời gian tìm hiểu và tận dụng những khác biệt này để điều chỉnh chiến lược cho phù hợp với người tiêu dùng trên khắp Việt Nam".
Từ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thành lập, lao động trình độ cao một số ngành nghề ở Việt Nam đã có cơ hội hơn để đến các nước trong khối làm việc. Tuy nhiên, điều khoản "Tự do lưu chuyển lao động có tay nghề" không hề đồng nghĩa với việc tự do bay nhảy.