Các nhà đầu tư từ Mỹ, Canada đã chi 12 tỷ USD để xây dựng, mở rộng nhà kho ở Trung Quốc nhằm phục vụ cho ngành thương mại điện tử đang bùng nổ nơi đây.
Khi công ty góp vốn tư nhân danh tiếng Warburg Pincus (Mỹ) bắt đầu để ý tới lĩnh vực kho vận tại Trung Quốc năm 2009, số nhà kho hiện đại ở quốc gia đông dân số một thế giới này còn ít hơn ở thành phố Boston (Mỹ).
Thương mại điện tử phát triển khiến nhu cầu kho hàng tăng cao tại Trung Quốc. |
Nhưng đó là chuyện của 7 năm trước. Giờ đây, người dân Trung Quốc như mải mê trong "cơn sốt" mua sắm trực tuyến khiến nhu cầu hàng hóa đè lên các nhà sản xuất, những công ty giao hàng nhanh cùng các hãng thương mại điện tử như Alibaba, JD.com. Khi cầu vượt quá cung, các nhà đầu tư tại đây nhanh chóng nhận ra nhu cầu phát triển những doanh nghiệp giao vận và nhà kho hiện đại.
Theo khảo sát của công ty tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle (Anh), các nhà đầu tư giàu có như Carlyle Group LP, Warburg Pincus (cùng của Mỹ) hay Canada Pension Plan Investment Board (CPPIB - Canada) đã chi khoảng 12 tỷ USD vào lĩnh vực này ở Trung Quốc kể từ năm 2013.
"Với sự chuyển đổi cán cân từ nền kinh tế dựa trên sản xuất sang nền kinh tế dịch vụ, tiêu thụ, bạn phải trữ hàng ở đâu đó để kinh doanh. Chúng tôi nhận thấy về lâu dài Trung Quốc sẽ còn có thêm nhiều nhà kho hiện đại hơn nữa", Trưởng phụ trách khu vực Đông Nam Á của Warburg Pincus Jeffrey Perlman nhận xét.
Dù quý II vừa qua kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, doanh thu mua sắm trực tuyến lại bùng nổ và được kỳ vọng tăng gấp đôi vào năm 2018, đạt 1.130 tỷ USD. Người dân nơi đây đang có thu nhập cao hơn trước, dễ dàng tiếp cận smartphone để đặt mua mọi thứ từ dụng cụ gia đình, quần áo, hoa cho tới bánh pizza.
Theo Cục số liệu quốc gia Trung Quốc, lĩnh vực bán lẻ trực tuyến đã tăng trưởng 12,6%, dự tính đạt 17% vào năm 2018. Trong khi đó ở Mỹ, doanh số của thương mại điện tử chiếm khoảng 8,1% tổng số hàng bán trong quý II/2016. Ấn Độ, một quốc gia đang phát triển khác tại châu Á với tầng lớp trung lưu ngày càng đông cũng trở thành thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư kho bãi.
Thị trường kho vận Trung Quốc đạt 1.000 tỷ tệ (150,3 tỷ USD) trong năm 2015 nhờ sự phát triển của nhà kho, quy trình đóng và xử lý hàng hóa. Công ty CPPIB đã đổ 2,6 tỷ USD vào kho vận Trung Quốc. Warburg Pincus đứng sau công ty e-Shang (Trung Quốc) chuyên cung cấp dịch vụ kho vận cho nhiều công ty thương mại điện tử khác nhau, trong đó có JD.com.
Công ty tư vấn bất động sản DTZ Cushman & Wakefield dự đoán diện tích kho bãi tại Trung Quốc sẽ tăng 10% mỗi năm cho tới 2020. "Thương mại điện tử giờ đây phát triển với tốc độ nhanh hơn cả tăng trưởng GDP. Điều đó tạo ra nhu cầu rất lớn cho lĩnh vực kho vận", Jason Lee, Trưởng bộ phận bất động sản khu vực châu Á của công ty Carlyle Group LP cho hay.
Carlyle đang đầu tư cho công ty China Logistics Property Holdings, đơn vị mới niêm yết lần đầu trên sàn chứng khoán tại Hong Kong với giá trị tới 459 triệu USD hồi tháng 7. Năm 2016, liên minh này đã chi 2,1 tỷ tệ (315,6 triệu USD) để bổ sung thêm 1,1 triệu m2 đất nền làm kho vào tài sản của mình và dự tính hoàn thành xây dựng một nhà kho mới vào năm 2017. Từ nay tới 2019, công ty dự tính đầu tư 1,8 tỷ USD để xây 34 khu kho vận mới, mở rộng 4,5 triệu m2 diện tích.
Khánh Linh
Từ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thành lập, lao động trình độ cao một số ngành nghề ở Việt Nam đã có cơ hội hơn để đến các nước trong khối làm việc. Tuy nhiên, điều khoản "Tự do lưu chuyển lao động có tay nghề" không hề đồng nghĩa với việc tự do bay nhảy.