Có trong tay tấm bằng thạc sĩ kinh tế nhưng chị Thanh ở Bình Định lại đam mê nghề làm bánh tráng nước dừa và bước đầu thành công với khoản lãi hơn 700 triệu đồng mỗi năm.
Dưới đây là những chia sẻ về quá trình khởi nghiệp do chị Trần Thị Hoài Thanh - Giám đốc Công ty Song Thuỷ chia sẻ với bạn đọc VnExpress.
Tôi sinh năm 1982, đang sống tại TP Quy Nhơn, Bình Định. Khi còn sinh viên, mỗi lần từ quê ra, món quà mà tôi mang cho các bạn là những chiếc bánh tráng nước dừa vừa to, dày, lại béo ngậy, ai ăn cũng thích. Lúc đầu, tôi chỉ có cảm giác tự hào về một sản phẩm của quê hương nhưng càng về sau, mỗi lần ngồi trên tàu với ràng bánh mang theo, tôi loé lên suy nghĩ cần xây dựng cho chiếc bánh truyền thống này một thương hiệu. Ý nghĩ đó theo đuổi tôi suốt những năm tháng học đại học.
Gửi câu hỏi cần tư vấn hoặc chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, làm giàu về kinhdoanh@vnexpress.net |
Năm 2005, tốt nghiệp cử nhân kinh tế Đại học Huế, tôi được nhận vào giảng dạy tại một trường Trung cấp kinh tế ở Bình Định. Trong thời gian làm nghề giáo, với đồng lương ít ỏi, để nuôi sống gia đình, con cái và 2 vợ chồng tiếp tục học cao học, tôi phải xin dạy thêm ở nhiều cơ sở đào tạo khác nhau. Một lúc vừa nuôi dạy con, vừa lo bài vở ở trường, bài dạy thêm, lại phải đảm bảo thời gian để học tiếp nên hầu như không ngày nào tôi ngủ trước 2h sáng. Cứ thế, tôi không còn thời gian để nghĩ đến giấc mơ thời sinh viên.
Nhưng sau thời gian dài, bất chợt tôi nhận ra ước mơ khởi nghiệp của mình còn rất lớn. Vậy là không ít lần tôi ngỏ ý xin nghỉ dạy để kiếm việc khác làm vừa có thời gian, vừa có thu nhập để thực hiện giấc mơ bán bánh tráng dừa, nhưng lần nào cũng gặp sự phản đối kịch liệt từ gia đình 2 phía. Để vừa lòng các đấng sinh thành, tôi lại tiếp tục đi dạy và gác lại ước mơ khởi nghiệp.
Đến năm 2011, với quyết tâm cao, sau khi bàn với chồng, tôi âm thầm nộp đơn xin vào làm việc cho một công ty nước ngoài (thời gian rảnh nhiều) để chuẩn bị khởi nghiệp. Khi gia đình biết chuyện thì tôi đã làm việc ở đó được 2 tháng. Làm ở đây một thời gian, vợ chồng tôi cũng hoàn thành xong khoá cao học nên tôi bắt đầu có cơ hội để tích lũy tiền và dành thời gian cho dự án khởi nghiệp của mình.
Với số vốn ban đầu khoảng 100 triệu đồng, tôi tìm đến một lò bánh tráng thuộc loại ngon nhất tỉnh - nơi thường mua làm quà, để đặt hàng. Sau khi ký được hợp đồng cung cấp bánh, tôi thực hiện việc kiểm nghiệm, xin cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, thiết kế, in ấn bao bì... tốn khoảng 80 triệu. Số tiền còn lại 20 triệu đồng, tôi dùng để mua bánh. Sau bao chờ đợi, những chiếc bánh không còn to, cồng kềnh và vô danh như trước ra đời. Chúng được đóng bao bì hợp vệ sinh, tiện lợi.
Tôi háo hức mang những sản phẩm đầu tay đi chào hàng. Vì không có tiền để thuê nhân viên bán, tôi tự cầm từng chiếc bánh đi chào khách khắp nơi. Gặp nhiều người quen, họ hỏi đùa "giáo viên mà đi bán bánh tráng à", hay như "thạc sĩ mà đi bán bánh tráng", rồi bà con xóm làng, họ hàng xì xào "học cho cao rồi cũng đi bán bánh tráng"... Những lúc như vậy, tôi lại không khỏi nghi ngờ về con đường mình đã chọn. Nhưng rồi trên hết, tôi vẫn chọn cách bỏ qua tất cả để đi tiếp.
Tuy nhiên, thời gian đầu bánh tráng của tôi không được khách hàng chấp nhận vì giá cao hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường mặc dù ngon hơn nhiều.
Chị Thanh với đặc sản quê hương. Ảnh: Thanh Niên |
Thời gian trôi qua cho đến khi lô bánh đầu tiên hết hạn dùng, tôi vẫn không kiếm được một hợp đồng nào. Đến lúc này tôi mới nghiêm túc tự hỏi bản thân: "Mình nên bán thứ đang có hay bán thứ thị trường cần?", vậy là tôi thuyết phục lò bánh giảm độ dày của chiếc bánh. Lúc đầu họ không đồng ý vì làm bánh mỏng rất khó, tốn công mà lợi nhuận không tăng. Nhưng sau đó, thấy tâm huyết của tôi lớn quá, họ đã đồng ý với điều kiện sau khi bán được bánh ổn định phải tăng giá cho họ.
Lần này, tôi dùng hết tiền thưởng cuối năm để đặt bánh. Sản phẩm của tôi vẫn luôn lấy tiêu chí chất lượng làm đầu nên nguyên liệu được chọn kỹ. Với vị thế bánh ngon, giá cả phù hợp, tôi mang từng chiếc bánh đi ký gửi tại các nhà hàng hạng trung và cao cấp, đồng thời đến từng bàn mời thực khách dùng thử miễn phí. Đúng như dự đoán, thực khách ở đây luôn là những người sành ăn, đồng thời họ chỉ quan tâm chất lượng chứ giá cả không thành vấn đề.
Thấy khách hài lòng với món bánh tráng nước dừa của tôi, các chủ nhà hàng đồng ý nhận đưa món này vào thực đơn. Niềm vui chưa được bao lâu thì khó khăn khác lại ập đến. Bởi khi sản phẩm đã được khách chấp nhận thì số vốn lưu động của tôi cũng cạn. Tiền lương của 2 vợ chồng được bao nhiêu đều đổ vào dự án. Để duy trì hoạt động, vợ chồng bàn nhau mượn người nhà 50 triệu đồng để mua bánh tiếp và làm chi phí tham gia hội chợ.
Nỗ lực không mệt mỏi trong các khâu tiếp thị, chiếc bánh của chúng tôi đã có mặt đáng kể trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Đến lúc này thì lò bánh không thể cung cấp đủ số lượng theo đơn đặt hàng vì hạn chế của phương thức tráng bánh thủ công.
Tôi đã tìm đến nhiều lò bánh khác nhưng không ở đâu làm được chiếc bánh chất lượng như yêu cầu. Trăn trở nhiều đêm, tôi quyết định vay vốn xây dựng xưởng sản xuất theo hướng bán công nghiệp. Đầu tiên, tôi liên hệ nhiều xưởng chế tạo để đặt mua máy sản xuất bánh tráng nước dừa, nhưng không ai nhận lời. Lý do họ đưa ra là đơn hàng nhỏ lẻ, không có khả năng sản xuất hàng loạt nên mất thời gian nghiên cứu.
Không chùn bước, tôi quyết tâm gặp lại chủ một xưởng sản xuất máy trước đó để thuyết phục. Nhìn thấy sự quyết tâm của tôi, họ đồng ý nghiên cứu chiếc máy sản xuất bánh tráng nước dừa đầu tiên với thời gian giao hàng là không ấn định.
Đúng 2 năm sau, tôi nhận được máy. Vì là chiếc máy đầu tiên nên việc đưa vào vận hành cũng vô cùng gian nan. Mọi trục trặc vợ chồng tôi đều phải tự tìm cách khắc phục. Có những hôm nửa đêm hai đứa vẫn còn mày mò sửa máy. Và rồi, trời cũng không phụ lòng người, việc thử nghiệm để làm ra một chiếc bánh tráng nước dừa bằng máy với chất lượng như làm bằng thủ công sau 6 tháng đã đi vào hoạt động ổn định, sản lượng sản xuất ra gấp 3 lần tráng bằng phương thức truyền thống.
Rất may, sản phẩm sản xuất đến đâu bán hết đến đó. Đến lúc này, vì nghĩ hàng sản xuất vào mùa nắng đã bán hết, đến mùa đông sẽ không có để cung cấp nên tôi tiếp tục đi kiếm người đặt nghiên cứu hệ thống sấy khô dành riêng cho bánh tráng nước dừa. Sau hơn một tháng hoạt động, vì sự cố điện, cả hệ thống sấy đều bị thiêu rụi, thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Lúc này, tôi như muốn bỏ cuộc vì tiền vay đã đầu tư hết, giờ thì đang đứng trước nguy cơ đổ nợ vì không có một cái bánh tồn kho nào để cung ứng cho đơn hàng của khách.
Thời điểm đó tôi lại đang trong giai đoạn sinh bé thứ 2. Sau nhiều đêm trăn trở, nghĩ rằng không thể bỏ cuộc dễ dàng như vậy, tôi gượng dậy, bắt đầu gọi điện cho từng khách hàng với mong muốn họ thông cảm cho hoàn cảnh của tôi mà chấp nhận những đơn hàng giao không kịp hạn. Rất may hầu hết đều chấp nhận.
Cũng ngay lúc đó, tôi chuyển qua sấy thủ công bằng than củi. Việc này tốn nhiều công sức, người trực tiếp sấy cũng bị ảnh hưởng sức khỏe nên hầu hết công nhân đều nản. Để lấy lại tinh thần cho họ, tôi phải trực tiếp đứng ra làm mặc dù lúc đó mới sinh con được một tháng. Có hôm làm xong tôi như muốn ngất đi. Thấy vậy, không ai bảo ai, tất cả công nhân đều cố gắng giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn đó.
Đến nay, bánh tráng nước dừa của tôi đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, 2 thị trường lớn TP HCM và Hà Nội, tôi vẫn chưa chinh phục được. Vì vậy, trước mắt mục tiêu của tôi là nhắm đến hai thị trường này, sau đó sẽ tính đến hướng xuất khẩu. Hiện tại, bình quân công ty bán ra khoảng 4.000 bánh tráng các loại, thu lợi nhuận trên dưới hai triệu đồng mỗi ngày, tức tầm 60 triệu một tháng.
Hiện giờ tôi vẫn đang đảm trách hai công việc là làm công ở công ty nước ngoài và quản lý doanh nghiệp bánh tráng dừa của mình. Tuy nhiên, về lâu dài nếu không thể làm tốt cả hai thì tôi sẽ nghỉ việc để tập trung hoàn toàn cho quá trình phát triển thương hiệu bánh tráng dừa.
Mặc dù con đường chinh phục thị trường như mục tiêu đề ra còn dài và nhiều khó khăn, nhưng tôi tin với tinh thần khởi nghiệp và quyết tâm của bản thân, thương hiệu bánh tráng nước dừa của chúng tôi sẽ có chỗ đứng vững chắc không những ở thị trường trong nước mà cả thị trường nước ngoài.
Hoài Thanh
Từ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thành lập, lao động trình độ cao một số ngành nghề ở Việt Nam đã có cơ hội hơn để đến các nước trong khối làm việc. Tuy nhiên, điều khoản "Tự do lưu chuyển lao động có tay nghề" không hề đồng nghĩa với việc tự do bay nhảy.